Sunday, May 9, 2021

Nghề sale và những trải nghiệm thú vị

  

Nhiều bạn trẻ với tính cách năng động, xông xáo, ưa thích thử thách, theo chủ nghĩa “xê dịch” sẵn sàng đối mặt với những vấn đề mang tính “rủi ro” cao, họ lựa chọn dấn thân vào trải nghiệm cùng nghề “sale” để thỏa chí mạo hiểm của mình, để làm phong phú thêm kinh nghiệm sống của cá nhân. Vậy nghề “sale” giúp bạn trải nghiệm được những gì?

Gặp gỡ nhiều người - nhiều tính cách

Điều làm nên hạnh phúc không phải là đích đến mà chính là quá trình, hãy làm tất cả những gì bạn có thể khi bạn còn trẻ, và còn sức khỏe. Trên con đường của nghề “sale”, bạn sẽ được gặp nhiều con người khác nhau với những tính cách khác nhau. Ban đầu, bạn sẽ gặp phải cú “sốc” với những thắc mắc “Sao lại có những người như vậy được nhỉ?” hay “Sao họ lại hành xử như thế?”, theo thời gian bạn sẽ nhìn được những gam màu khác trong cuộc sống. Bạn có cơ hội học hỏi từ những người xung quanh như quản lý, anh chị đi trước, góp phần tích lũy vốn sống trong cách ứng xử với đa dạng tầng lớp, độ tuổi, tính cách, nghề nghiệp khác nhau. Từ đó, bạn sẽ tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân, học cách nắm bắt tâm lý của người khác, rèn luyện khả năng “đọc vị” khách hàng để có chiến dịch quảng cáo phù hợp, hay đơn giản là nói chuyện thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình.

Rèn luyện khả năng chịu đựng

Bạn làm “sale” tức là bạn sẽ cho bản thân cơ hội rèn luyện khả năng “làm dâu trăm họ”, bạn là đầu mối tương tác giữa quản lý, khách hàng và sản phẩm. Khả năng phải đối mặt với những quản lý “khó nhằn” hay những khách hàng “khó ưa” là vô cùng cao và thậm chí là thường xuyên, bạn phải giỏi chịu đựng, giỏi nghe người khác “chửi” thì bạn mới có thể tiếp tục với nghề. Từ những tình huống xảy ra, bạn sẽ tự rút ra cách xử lý vấn đề của mình mà không có bất kỳ trường, lớp nào có thể dạy bạn được. Đồng thời, với đặc điểm chính của “sale” là áp lực doanh số, bạn phải luôn trong trạng thái “chạy” để đảm bảo chỉ tiêu, bất kể thời tiết nắng, mưa như thế nào. Cho nên, để làm nghề “sale” đòi hỏi bạn phải trang bị cho mình một thể lực tốt, một sức khỏe vàng để có thể đương đầu với bất kỳ tình huống nào xảy ra.

Hạ thấp “cái tôi”

 Ở đây, hạ thấp “cái tôi” không có nghĩa bạn đánh mất đi lòng tự trọng hay tự tôn của bản thân mình mà là bạn học cách dung hòa với những cá nhân khác, bởi “khách hàng là thượng đế”, phải chiều ý họ thì bạn mới bán được sản phẩm. Nhiều người bảo làm nghề “sale” thì “giàu có” nhưng không ai biết được đằng sau đó là sự đánh đổi của “mồ hôi” và “nước mắt”. Nếu bình thường bạn là con người có “cái tôi” vĩ đại thì đến với nghề “sale” bạn trở thành “người con” của thiên hạ, mục đích chính của bạn là làm hài lòng khách hàng. Đôi khi bạn phải làm theo những điều phi lý, đi ngược hoàn toàn với nguyên tắc sống của bạn. Vì mục đích chung của nghề “sale” là bán được sản phẩm và đem lại lợi nhuận cho công ty.

“Có làm thì mới có ăn”

Vì nghề “sale” chạy theo doanh số nên bạn “có làm thì mới có ăn”, thậm chí chỉ tiêu được giao theo giờ, hay theo ngày và yêu cầu bạn phải đảm bảo. Nếu ngày đó bạn không bán được sản phẩm nào thì bạn sẽ không có “hoa hồng”. Cho nên, bạn cần phải làm hết thảy mọi cách, di chuyển khu vực mục tiêu, thậm chí đa dạng cách thức bán hàng hơn, chuyển từ địa điểm cố định sang trực tuyến, trực tiếp, qua điện thoại, qua đại lý…đòi hỏi cách xử lý tình huống nhanh nhạy của bạn để tiêu thụ lượng sản phẩm theo yêu cầu. Phương châm của nghề “sale” chính là “không bao giờ chịu đầu hàng”.

Đáp ứng nhu cầu khách hàng

Bạn cần đầu tư vào nguồn tiêu thụ sản phẩm, tức là lượng khách hàng. Điều kiện lý tưởng nhất là xây dựng lượng khách hàng quen thuộc, thân thiết, lâu dài, tức là cùng một món hàng có thể bán nhiều lần cho một khách hàng. Giúp khách hàng vượt qua “nỗi sợ” về sản phẩm và tin tưởng về những lợi ích từ việc sử dụng sản phẩm đó là bạn đã thành công. Bắt đầu bằng lời khen trung thực, bạn sẽ dễ dàng nhận được thiện cảm từ phía khách hàng, hãy xem bạn là khách hàng để biết họ muốn gì, luôn kèm với những cam kết về chất lượng như là đại diện cho thương hiệu và khẳng định thể diện, đẳng cấp của công ty và sản phẩm.

Phải lao vào công việc thì bạn mới hiểu tính chất công việc ấy như thế nào, bất cứ ngành nghề gì cũng sẽ giúp bạn tự rèn giũa bản thân, nâng cao kỹ năng sống, tương tự, trải nghiệm cùng nghề “sale” đòi hỏi bạn phải “trâu bò”, và phải lăng xả, thay vào đó, kỹ năng giao tiếp sẽ ngày được nâng cao.

Hương Giang 

No comments:

Post a Comment