Mục lục- Trade Marketing là gì
- Trade Marketing là gì?
- Điểm khác nhau giữa Marketing và Trade Marketing là gì?
- Tại sao Trade Marketing lại quan trọng?
- Chức năng chính của Trade Marketing là làm gì?
- Mô tả công việc Trade Marketing?
- Các kỹ năng cần thiết dành cho người làm
- Câu hỏi phỏng vấn cho vị trí
- Bạn đã có những trải nghiệm nào trong lĩnh vực Trade Marketing?
- Bạn đã làm gì để cải thiện kiến thức và kỹ năng Trade Marketing trong năm qua?
- Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
- Hãy kể về một chiến dịch tiếp thị không diễn ra đúng như bạn mong đợi
- Hãy nói về một dự án tiếp thị mà bạn đã thực hiện đúng thời hạn và tiết kiệm ngân sách
- Một thương hiệu mà bạn nghĩ đã làm tốt Trade Marketing là gì và vì sao?
Trade Marketing là gì? Vì sao đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp? Nếu bạn có định hướng nghề nghiệp đến lĩnh vực này thì bài viết sau sẽ dành cho bạn.
Trade Marketing là gì?
Trade Marketing (Tiếp thị thương mại) là một trong những phương pháp tiếp thị lâu đời nhất, được cả doanh nghiệp nhỏ và lớn sử dụng để tiếp thị sản phẩm của họ. Khác với chiến lược Marketing thông thường hướng đến các khách hàng mục tiêu, trọng tâm của Trade Marketing là các nhà bán lẻ, nhà phân phối hoặc đại lý.
Hiểu một cách đơn giản, Trade Marketing là việc thực hiện các hoạt động để nhà bán lẻ hoặc các đại lý phân phối hào hứng nhập hàng của bạn và khách hàng dễ dàng tìm thấy sản phẩm của bạn mỗi khi mua sắm.
Điểm khác nhau giữa Marketing và Trade Marketing là gì?
Marketing liên quan đến việc tìm hiểu hành vi của người tiêu dùng cuối cùng, nhu cầu của họ là gì, làm thế nào để sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu đó, làm sao để định vị sản phẩm phù hợp về giá cả và hình ảnh nhằm tạo sự cạnh tranh với đối thủ và thu hút được sự chú ý của khách hàng.
Trade Marketing là cách thúc đẩy các nhà bán lẻ mua sản phẩm của bạn và cho phép bạn hiển thị các tài liệu tiếp thị và kệ trưng bày tại cửa hàng của họ. Điều này cũng bao gồm xây dựng các điều khoản thương mại hấp dẫn cho nhà bán lẻ để họ coi bạn là đối tác của họ.
Tại sao Trade Marketing lại quan trọng?
Trade Marketing cũng quan trọng như Marketing truyền thống vì nhiều lý do. Điều đầu tiên là khá rõ ràng: Nếu sản phẩm của bạn không được đưa vào các địa điểm bán lẻ, nó chắc chắn sẽ không đến được tay người tiêu dùng. Do đó, điều bắt buộc là phải thiết lập mối quan hệ tích cực, lâu dài với đại lý, nhà bán lẻ.
Một lý do khác khiến Trade Marketing rất quan trọng là vì đôi khi, nó là lựa chọn tốt nhất để thương hiệu của bạn được biết đến khi các đối thủ cạnh tranh đang thực hiện rầm rộ các chiến dịch quảng cáo, đặc biệt doanh nghiệp của bạn thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh. Với rất nhiều thương hiệu khác nhau cùng bán các sản phẩm tương tự, bạn phải dựa vào Trade Marketing để sản phẩm của bạn xuất hiện nhiều nhất trong kệ hàng, ở vị trí nổi bật dễ nhìn thấy nhất và được nhà bán lẻ giới thiệu với người tiêu dùng nhiều nhất.
Chức năng chính của Trade Marketing là làm gì?
· Quảng bá sản phẩm tại điểm bán lẻ
· Nhận biết được xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng
· Tối ưu hóa tất cả các phần trong quy trình mua hàng
· Tăng mức độ nhận biết của người tiêu dùng về sản phẩm
Mô tả công việc Trade Marketing?
· Phát triển các chiến lược để thu hút sự quan tâm của các nhà bán lẻ, nhà phân phối đối với khách hàng
· Hỗ trợ các nhà bán lẻ, nhà phân phối nhận thức về thương hiệu, sản phẩm thông qua các tài liệu tiếp thị.
· Lên ý tưởng trưng bày sản phẩm tại các điểm bán nhằm tối đa hiệu quả tiếp thị
· Hỗ trợ nhân viên bán hàng tổ chức sự kiện tại các khu vực phụ trách
· Tư vấn về các hình thức quảng cáo, khuyến mãi phù hợp từ việc phân tích dữ liệu khách hàng và xu hướng hiện tại
· Phân tích kết quả của kênh bán lẻ, phân tích chuyên sâu về cạnh tranh, mô hình phân phối
· Lên chiến lược phát triển sản phẩm mới dựa trên việc phân tích tính khả thi, hợp lý
· Kiểm soát ngân sách Trade Marketing hàng năm
· Thiết kế và thực hiện các chương trình ưu đãi dài hạn, ngắn hạn cho các đại lý, nhà bán lẻ, nhà phân phối tại từng thời điểm nhằm tăng hiệu quả bán hàng
· Lên kế hoạch và tổ chức các chương trình Hội nghị khách hàng
Các kỹ năng cần thiết dành cho người làm
Kỹ năng phân tích. Người làm Trade Marketing cần có khả năng phân tích tốt để hiểu được thói quen, mong muốn của khách hàng cũng như xu hướng của ngành nghề nhằm xác định các chiến lược tiếp thị hiệu quả nhất cho doanh nghiệp của họ.
Kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng này rất có giá trị bởi nó sẽ giúp người làm Trade Marketing giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp, các nhà bán lẻ hoặc nhà phân phối để thuyết phục họ tiếp nhận sản phẩm.
Sáng tạo. Hiểu được Trade Marketing là gì thì chắc chắn bạn đã hiểu tại sao sáng tạo là điều quan trọng phải không? Sáng tạo là một trong những kỹ năng cần thiết nhất cho người làm Trade Marketing vì họ chịu trách nhiệm lên kế hoạch và thực hiện các chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp. Nhờ óc sáng tạo họ mới có thể nghĩ ra được những ý tưởng mới mẻ và độc đáo, tạo ấn tượng sâu đậm về sản phẩm với người tiêu dùng.
Kỹ năng ra quyết định. Người làm Trade Marketing, đặc biệt là các nhà quản lý thường phải lựa chọn giữa các chiến lược tiếp thị và quảng cáo khác nhau. Do đó, họ cần kỹ năng ra quyết định mạnh mẽ để có lựa chọn chính xác mang đến hiệu quả cao nhất.
Kỹ năng quản lý dự án. Người làm Trade Marketing nên có khả năng quản lý dự án để giám sát hiệu quả các chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp, bao gồm các tài liệu tiếp thị và tổ chức sự kiện.
Kỹ năng sắp xếp tổ chức. Do phải quản lý thời gian và ngân sách một cách hiệu quả nên kỹ năng sắp xếp tổ chức là không thể thiếu đối với người làm Trade Marketing.
Câu hỏi phỏng vấn cho vị trí
Bạn đã có những trải nghiệm nào trong lĩnh vực Trade Marketing?
Nếu được hỏi câu hỏi này từ nhà tuyển dụng thì bạn nên giải thích chi tiết về kinh nghiệm của mình. Nói với họ những trách nhiệm bạn đã thực hiện và những chương trình, sự kiện bạn đã tổ chức. Đừng quên nhắc đến các thành tích khi thực hiện các hoạt động đó.
Bạn đã làm gì để cải thiện kiến thức và kỹ năng Trade Marketing trong năm qua?
Nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những ứng viên có định hướng mục tiêu. Do đó, bạn cần luôn thể hiện mong muốn học hỏi liên tục bằng cách liệt kê những hoạt động cải tiến tích cực như tham gia các khóa học, là thành viên tích cực của nhóm Trade Marketing online… Nếu không, bạn có thể liệt kê một vài sở thích và hoạt động có liên quan, mục tiêu là để chứng minh tính độc lập, quản lý tốt thời gian và luôn có động lực mạnh mẽ.
Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
Đây là lý do vì sao bạn cần tìm hiểu về doanh nghiệp trước khi phỏng vấn. Hãy cố gắng tìm hiểu về thành tựu họ đã đạt được và những gì họ đang hướng đến, các vấn đề hiện tại của họ là gì và đối thủ cạnh tranh chính của họ là ai.
Hãy kể về một chiến dịch tiếp thị không diễn ra đúng như bạn mong đợi
Điều quan trọng khi trả lời câu hỏi này là nhận ra được lý do tại sao kế hoạch của bạn gặp sự cố và bạn đã học được bài học gì. Các chiến dịch tiếp thị thường thất bại do chưa tìm hiểu kỹ, lập kế hoạch kém, theo dõi không sát sao hoặc giao tiếp không hiệu quả. Hãy cởi mở về lý do tại sao chiến dịch thất bại, nhận trách hiệm và tập trung vào những gì bạn đã học được.
Hãy nói về một dự án tiếp thị mà bạn đã thực hiện đúng thời hạn và tiết kiệm ngân sách
Để có câu trả lời thuyết phục, hãy tập trung vào các kỹ năng lập kế hoạch và sắp xếp tổ chức của bạn giúp tiết kiệm ngân sách tiếp thị. Hãy nói về cách bạn kiểm soát để hạn chế chi tiêu và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết, đồng thời thảo luận về khả năng phản ứng nhanh và chính xác của bạn để xử lý các tình huống bất ngờ.
Một thương hiệu mà bạn nghĩ đã làm tốt Trade Marketing là gì và vì sao?
Xác định một trong những thương hiệu yêu thích của bạn và nói rõ ai là đối tượng họ cố gắng tiếp cận cũng như thông điệp mà họ muốn truyền tải. Cụ thể hơn, hãy đưa ra ví dụ về cách thương hiệu đó sử dụng các yếu tố như sản phẩm, giá cả, địa điểm và quảng cáo để thực hiện chiến dịch thành công.
Trên đây, bạn đã hiểu Trade Marketing là gì cũng như những kỹ năng cần thiết của người làm Trade Marketing. Hi vọng với những chia sẻ này bạn sẽ có thêm thông tin cho việc định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Đặng Hảo
No comments:
Post a Comment